Phó Thống đốc thừa nhận: Che giấu nợ xấu vô cùng nhiều

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình, số liệu nợ xấu bị các ngân hàng che giấu vô cùng nhiều.

Tại hội thảo “Giải pháp tăng cường nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng” ngày 19/8, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Bình đặt câu hỏi: “Cơ quan giám sát có thể hoạt động hiệu quả không khi mà số liệu không nắm chắc được?”

Cũng theo ông Bình, thời gian qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển mạnh về quy mô, loại hình, số lượng…, đòi hỏi đi kèm điều kiện về tăng cường quản lý, thanh tra giám sát. Công tác thanh tra giám sát tuy đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chưa theo kịp tốc độ phát triển của khu vực ngân hàng; hoạt động thanh tra giám sát chưa đúng trọng tâm, trọng điểm và chất lượng chưa cao.

Các thông lệ quốc tế về chuẩn mực giám sát ngân hàng chưa được nghiên cứu, áp dụng đầy đủ, dẫn đến nhìn nhận chưa đầy đủ tình hình, thực trạng. Thanh tra tại chỗ, thanh tra tuân thủ vẫn là chủ yếu, khả năng giám sát toàn bộ thị trường để phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro cho hệ thống ngân hàng còn yếu, thanh tra hoạt động còn thụ động, xử lý các vụ việc phát sinh là chủ yếu.

Phó Thống đốc thừa nhận: Che giấu nợ xấu vô cùng nhiều

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình, số liệu nợ xấu bị các ngân hàng che giấu vô cùng nhiều.

Trước đó, đại diện NHNN đã từng bình luận khá nhiều về các con số nợ xấu. Tuy nhiên, chưa có ai đề cập đến vấn đề số liệu nợ xấu bị các ngân hàng che giấu, mà chỉ nói đến việc: nợ xấu tại các ngân hàng ở mức lớn.

"Số liệu nợ xấu không phải là một con số bất biến mà thay đổi theo thời điểm thống kê số liệu, nguồn số liệu và phương pháp xác định” - Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định.

Trước đó, giải trình về các con số nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng cho biết: “Tôi làm 30 năm trong ngành, 30 năm đều có hai số liệu về nợ xấu. Trước kia, khi chưa hội nhập là 2, sau khi hội nhập, có các định chế tài chính vào Việt Nam thì là 3 số liệu, gồm số liệu ngân hàng báo cáo, của Ngân hàng Nhà nước và đánh giá của nước ngoài”.

Ông Bình cũng thừa nhận, có hiện tượng ngân hàng, vì sợ ảnh hưởng đến mục tiêu và con số lợi nhuận mà trích lập dự phòng rủi ro thấp đi. Ông Bình cho biết, đã xử lý 6 ngân hàng yếu kém. Theo báo cáo, nợ xấu không ngân hàng nào cao hơn 2,5%; nhưng thực tế, khi cơ quan thanh tra NHNN tìm hiểu kỹ, thì tỷ lệ nợ xấu lên tới 30%, thậm chí có nhà băng lên tới 60%.

Mặt khác, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng: số liệu nợ xấu được công bố là chưa chính xác, các tổ chức tín dụng còn che giấu rất nhiều.

Ông Jon M.Sheehan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Capital Service cho biết, các ngân hàng vì áp lực với cổ đông, sợ mất vốn, mất thương hiệu, cổ phiếu mất giá trên thị trường chứng khoán nên không muốn công khai con số thực. Cứ như vậy, nợ xấu bị che đậy và treo lại sau nhiều năm, cuối cùng có thể đi vào vết xe đổ của Philippines tại cuộc khủng hoảng tài chính 1997.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, con số nợ xấu chiếm 4,56% tổng dư nợ mà NHNN vừa báo cáo chưa thực sự chính xác.

Ông lo ngại con số nợ xấu không chính xác dẫn tới tâm lý “đủng đỉnh”, yên tâm rằng thị trường sẽ sớm hồi phục, tài sản bảo đảm phục hồi, doanh nghiệp có thể trả được nợ. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại khi nó cứ tiếp diễn không phải theo chu kỳ hơn chục năm mới xử lý xong như ông Sheehan khẳng định, mà có thể gấp rưỡi, gấp đôi.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng khuyến cáo các ngân hàng không nên che giấu nợ xấu mà phải tự thân xác định đúng số nợ thực sự. Qua đó thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ có hiệu quả.

“Nếu không phản ánh đúng thực trạng thì giải pháp đưa ra không thể phù hợp được. Càng kéo dài thời gian càng trì trệ, thua lỗ”, bà Hạnh cảnh báo.

Theo Thụy Miên (Đất Việt)