"Mảnh đất màu mỡ" của tín chấp tiêu dùng và sự nhập cuộc của các công ty tài chính

Theo báo cáo của công ty StoxPlus về Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng năm 2013 đạt gần 188.000 tỷ đồng – tương đương 8,88 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 12% và chiếm 5,4% GDP.

 

Nhiều chuyên gia dự báo thời gian tới, thị trường này sẽ có những bước tăng trưởng nhanh tương đương với năm 2010 và trở thành cơ cấu tín dụng quan trọng của chiến lược ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.

Ngày 24/7/2014, NHNN cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoàn thiện hoạt động cấp tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và phát triển cho vay không bảo đảm bằng tài sản. Chính “đèn xanh” của NHNN về hoạt động cho vay không bảo đảm bằng tài sản đã làm cụm từ cho vay tín chấp được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có cả cho vay tín chấp tiêu dùng.

Phân khúc thị trường đầy tiềm năng

Cho vay tiêu dùng là khoản vay với các điều khoản cố định và có thể được bảo đảm hoặc không bảo đảm bằng tài sản. Các khoản cho vay tiêu dùng thường được cung cấp bởi NHTM hoặc công ty tài chính chuyên ngành nhằm tài trợ cho nhu cầu chi tiêu của cá nhân hoặc hộ gia đình (thường gắn với một sản phẩm – dịch vụ cụ thể). Như vậy, cho vay tiêu dùng sẽ bao gồm cả 2 hình thức, có tài sản bảo đảm và không bảo đảm. Đối với những khoản cho vay không bảo đảm thường được gọi là cho vay tín chấp tiêu dùng.

Cũng theo thống kê của công ty StoxPlus, quy mô dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 8,88 tỷ USD, nhưng chủ yếu là các khoản vay tiêu dùng có bảo đảm bằng tài sản như vay mua nhà, sửa chữa, nâng cấp nhà ở, vay mua ô tô…và được thực hiện bởi hệ thống NHTM. Trong khi đó, các khoản vay tín chấp tiêu dùng với giá trị thấp như xe máy, điện thoại, đồ gia dụng…lại có quy mô khá khiêm tốn chỉ 4% trên tổng số dư nợ, lại do công ty tài chính tiêu dùng đảm nhận (chủ yếu là công ty có vốn của nước ngoài).

Số nhân khẩu theo hộ và thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo 5 nhóm thu nhập.

Số nhân khẩu theo hộ và thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo 5 nhóm thu nhập. 

Nguồn: Tổng cục thống kê 2012

Nhìn vào bảng trên, nếu cả Việt Nam được chia làm 5 nhóm thu nhập thì nhóm 5 có thu nhập cao nhất, nhưng mỗi tháng cũng chỉ hơn 4,7 triệu đồng (2012). Như vậy, phần lớn đối tượng khách hàng thuộc nhóm 5 đang được các NHTM khai thác triệt để với quy mô dư nợ hơn 8,3 tỷ USD và có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khá cao. Tuy nhiên, 4 nhóm còn lại chiếm số lượng đông đảo cũng có những nhu cầu tài chính tiêu dùng riêng biệt, thì lại bỏ ngỏ với tổng quy mô dư nợ chắc chắn không hề nhỏ. Chính vì vậy, đây là một phân khúc tín dụng tiêu dùng đầy tiềm năng và cần được quan tâm hơn nữa.

Cũng theo một báo cáo, hiện 68% dân số Việt Nam đang sinh sống ở khu vực nông thôn và hầu hết khó chứng minh được nguồn thu nhập ổn định lẫn đủ cao để có thể tiếp các dịch vụ ngân hàng bản lẻ. Nhưng cuộc sống thường nhật họ vẫn xuất hiện nhiều nhu cầu tài chính và tài chính tiêu dùng, vậy mà chưa một TCTD nào đáp ứng triệt để. Do đó, phân khúc này dần trở thành thị trường béo bở của tín dụng đen và từng ngày gây thiệt hai không ít cho nhà nước lẫn bóp méo thị trường tín dụng chính thống.

Cho nên, sự nhập cuộc của các công ty tài chính tiêu dùng với hoạt động cho vay tín chấp tiêu dùng là điều cần thiết hơn bao giờ hết, dần giúp phân khúc thị trường trở nên quy củ và chính thống theo pháp luật Việt Nam.

Sự nhập cuộc của các công ty tài chính tiêu dùng

Cuối năm 2013, Công ty tư vấn A.T.Kearney đã công bố kết quả điều tra sự phát triển của thị trường bán lẻ các nước trên thế giới, thì Việt Nam dù rớt khỏi danh sách 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới, nhưng ngành bán lẻ vẫn có mức tăng trưởng cao nhất Châu Á (23%).

Với tiềm năng tăng trưởng của ngành bán lẻ cộng với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai đã kéo theo sự lạc quan tăng trưởng của ngành tài chính tiêu dùng. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay tiêu dùng của Việt Nam còn thấp, chỉ cao hơn sơ với thị trường Lào và Campuchia, nhưng lại khá thấp so với các thị trường mới nổi khác. Điều này đã mở ra một cơ hội doanh đầy hấp dẫn cho các TCTD Việt Nam ở lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong tương lai.

Chính sự hấp dẫn của phân khúc tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là sự bỏ ngỏ của phân khúc cho vay tín chấp tiêu dùng đã tạo thành làn sóng gia nhập và cạnh tranh của hàng loạt những công ty tài chính tiêu dùng như: HomeCredit (PPF), Prudential Finance, HD Finance, VPBank Consumer Finance... Đồng thời, thời gian tới, thị trường cũng trở nên cạnh tranh hơn với sự tham gia của các tập đoàn nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Châu Âu…

Hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng

Các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay đều đang hướng vào cho vay tín chấp tiêu dùng ở ba dòng sản phẩm – dịch vụ chính: dịch vụ mua xe máy trả góp, dịch vụ mua sắm gia dụng, dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân (cho vay tiền mặt tại quầy). 

Cho vay tín chấp tiêu dùng thường sử dụng phương thức trả góp định kỳ hàng tháng với một số tiền nhất định (cả gốc với lãi). Khách hàng chỉ việc đúng ngày nộp tiền mặt tại nhiều địa điểm chỉ định của công ty tài chính tiêu dùng nhưng sao cho tiện lợi nhất như chi nhánh ngân hàng, bưu cục, điểm bán hàng tại cửa hàng bán lẻ, thu tiền tại nhà…Ngoài ra, khi lịch sử trả nợ của khách hàng được ghi nhận tốt thì họ dễ dàng tiếp cận các sản phẩm tín dụng tiêu dùng khác với mức lãi suất và kỳ hạn cạnh tranh như cho vay tiền mặt, cho vay mua xe máy.

Tóm lại, với dân số Việt Nam hơn 91 triệu và thu nhập không ngừng cải thiện lẫn đòi hỏi chất lượng sống ngày càng cao thì nhu cầu tín dụng tiêu dùng cũng dần trở nên sôi động. Nên dịch vụ cho vay tín chấp tiêu dùng sẽ mở ra cho các ngân hàng và công ty tài chính nhiều cơ hội kinh doanh hơn.

Tuy nhiên, tiềm ẩn rủi ro trong mảng cho vay này không phải là ít, vì vậy các TCTD cũng cần lưu ý: đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ tín dụng cho nhân viên và cộng tác viên; phát triển nhiều sản phẩm – dịch vụ tiêu dùng đáp ứng tốt hơn nhu cầu người vay như cho vay đám cưới, cho vay giáo dục, cho vay nhanh sinh viên…; mở rộng kênh phân phối và phát triển các điểm hỗ trợ bán hàng; hoàn thiện quy trình tín dụng với tôn chỉ đơn giản và giải ngân nhanh chóng nhưng vẫn phải đề cao vai trò của quản trị rủi ro; kiểm soát rủi ro tín dụng và có cơ chế thu nợ phù hợp. Nên tập trung cho vay các món nhỏ để kiểm chứng tín nhiệm của người vay trước và sau đó thực hiện bán chéo các dịch vụ tín dụng tiêu dùng khác; dần kiểm soát chi phí và điều chỉnh lãi suất hợp lý cho từng khoản vay.

(Theo cafef.vn)