Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt NamNgày 12/12, tại Hà Nội, NHNN Việt Nam, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Tài chính toàn diện tại Việt Nam – Cơ hội và thách thức”.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã đến dự và phát biểu tại Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có ông Đặng Thanh Bình - nguyên Phó Thống đốc NHNN cùng các đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Ban Công tác Tài chính vi mô, NHNN…

 

Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: Đức Vương

Theo thông tin tại Tọa đàm, tính đến năm 2016, hệ thống TCTD của Việt Nam có 4 NHTM Nhà nước chi phối, 3 NH được NHNN mua lại, 2 NH chính sách (NHCSXH và VDB), 28 NHTMCP, 27 TCTD phi ngân hàng. Ngoài ra, còn có NH Hợp tác xã, 6 NH nước ngoài, 4 NH liên doanh, 50 chi nhánh NH nước ngoài, 1.147 Quỹ tín dụng nhân dân, 3 tổ chức tài chính vi mô.

Trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức quốc tế sẵn sàng dành nguồn lực tài chính, kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, xây dựng và triển khai chiến lược tài chính vi mô toàn diện.

Ông Alwalced F. Alatabani - Chuyên gia trưởng, Ban Thị trường và Tài chính, Ngân hàng Thế giới đưa ra lý do để phát triển tài chính toàn diện bao gồm: Một là, sử dụng các dịch vụ tài chính chất lượng và chi phí hợp lý cho phép các cá nhân và các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa tiết kiệm, thanh toán, cho vay và quản lý rủi ro một cách hiệu quả; Hai là, thiếu hệ thống tài chính toàn diện, cá nhân sẽ ít có khả năng khắc phục các cú sốc kinh tế, tiêu dùng hợp lý và đầu tư vào giao dịch hoặc các hoạt động đầu tư. Những doanh nghiệp mới thành lập bị phụ thuộc vào lợi nhuận hạn chế của mình khi cần nắm bắt những cơ hội tăng trưởng kinh doanh đầy hứa hẹn; Ba là, tài chính toàn diện có thể mang lại tác động tích cực khi gặp phải các bất ổn về thu nhập, an toàn thực phẩm, xác định hiệu quả đối tượng mục tiêu trong các chương trình trợ cấp xã hội và tiếp cận các dịch vụ; Bốn là, tài chính toàn diện rất quan trọng để giảm nghèo và tiến tới phát triển thịnh vượng.

Tại tọa đàm, ông Phan Cử Nhân – Giám đốc Ban hợp tác quốc tế và truyền thông (NHCSXH) đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển dịch vụ kinh nghiệm triển khai dịch vụ tài chính số (mobile banking) của Ngân hàng, trong đó nhấn mạnh đến việc NHCSXH đã góp phần vào mục tiêu phát triển tài chính toàn diện. Theo đó, hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất – kinh doanh. NHCSXH cũng giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 3,4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, xuất phát từ điều kiện và nhu cầu cấp thiết trong nước, Việt Nam cần thúc đẩy tài chính toàn diện. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam nói chung, hệ thống Ngân hàng Việt Nam nói riêng cũng như xu hướng ưu tiên của cộng đồng quốc tế hiện nay.

Phó Thống đốc cho rằng, ở Việt Nam, tài chính toàn diện là khái niệm còn khá mới mẻ, tuy các nội dung của tài chính toàn diện đã và đang được các Bộ, ngành triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng chưa được đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Do vậy, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược tổng thể và dài hạn về tài chính toàn diện cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

“Trên tinh thần đó, NHNN đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, điều phối về tài chính toàn diện tại Việt Nam nhằm thúc đẩy lĩnh vực này tại Việt Nam trong thời gian tới” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.

(Theo Đức Nghiêm – thoibaonganhang)