Cấp thiết kết nối thông tin tín dụng giữa các nền kinh tế

Cấp thiết kết nối thông tin tín dụng giữa các nền kinh tếTrong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, để đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại, việc kết nối mạng lưới thông tin giữa các hệ thống thông tin tín dụng của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã ngày càng trở nên cấp thiết.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” diễn ra ngày 16/5 tại Ninh Bình.

Cấp thiết kết nối thông tin tín dụng giữa các nền kinh tế

Toàn cảnh hội thảo

Từ nhìn nhận vấn đề như vậy, Phó Thống đốc cũng cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC cần chú trọng tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy các hoạt động trao đổi thông tin tín dụng trong phạm vi khối, cũng như với các quốc gia khác trên thế giới. Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các tổ chức thông tin tín dụng trong việc tăng cường mở rộng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và có thêm nguồn thông tin minh bạch, tin cậy, chính xác, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh và mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng của người dân ở mỗi quốc gia.

Trên thực tế, tại các Diễn đàn, các Hội nghị về báo cáo tín dụng trong những năm gần đây, các chuyên gia về báo cáo tín dụng, các tổ chức thông tin tín dụng quốc tế đang tích cực thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới như khuôn khổ pháp luật, bảo mật dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng...

Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã có sự quan tâm nhất định đến vấn đề chia sẻ thông tin xuyên biên giới. Việt Nam đã chủ động, tích cực tham dự nhiều hội thảo khu vực và quốc tế, thể hiện mong muốn được tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin trong lĩnh vực thông tin tín dụng. Điều này cũng phản ánh việc quyết tâm thực hiện các cam kết mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn giữa Việt Nam với các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, nhiều nền kinh tế thành viên APEC với các khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực trong hoạt động thông tin tín dụng nói chung và vấn đề chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới nói riêng còn chưa được đầy đủ; khuôn khổ pháp luật liên quan về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu cá nhân còn chưa được đồng bộ. 

Do đó, NHNN Việt Nam đã quyết định lựa chọn vấn đề “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” làm chủ đề chính trong hội thảo ngày hôm nay, trên cơ sở kế thừa những kết quả của các sự kiện bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2015 tại Philippines và APEC 2016 tại Peru. Chủ đề của Hội thảo lần này cũng phù hợp với nguyên tắc thứ 5 trong Bộ nguyên tắc cơ bản về báo cáo tín dụng của Nhóm Ngân hàng thế giới.

Hội thảo “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” là hoạt động bên lề Hội nghị Quan chức tài chính cấp cao APEC 2017, do NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đồng tổ chức. Hội thảo đã quy tụ các đại diện cấp cao đến từ các tổ chức, các đơn vị hoạt động thông tin tín dụng trong khối APEC và một số quốc gia khách mời khác trong khu vực; cũng như các tổ chức quốc tế.

Hội thảo sẽ trải qua 4 phiên thảo luận với các chủ đề: sự cần thiết của trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới; yếu tố mấu chốt của trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới tốt là ở cơ chế - khuôn khổ pháp lý; yếu tố mấu chốt của trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới là ở cơ chế, dữ liệu và phiên tiến tới.

Được biết, APEC là sự kết hợp của 21 nền kinh tế thành viên có mức độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau, nắm vai trò là diễn đàn điều phối, gắn kết các nền kinh tế với mục đích chính là tạo cơ hội, động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hội nhập, tự do hóa thương mại và đầu tư.

Chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, đã thể hiện rõ mục tiêu cần hướng tới của các nước thành viên APEC trong giai đoạn tiếp theo. 

Ngoài ra trong năm APEC 2017, Việt Nam chú trọng hướng tới bốn lĩnh vực ưu tiên, bao gồm tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực, và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các mục tiêu này đều nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Theo Thanh Thuỷ / thoibaonganhang.vn