Nợ xấu ngân hàng cổ phần có thật thấp?

Hết tháng 2/2011, nợ dưới chuẩn của khối ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 22nghìn tỷ đồng, tương đương 1,76%/tổng dư nợ.

Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn so với mức trung bình hệ thống (2,33%) nhưng với cung cách quản tiền vay ở các ngân hàng và những kẻ hở do cơ chế thì chưa thể nào vội mừng.

Khó đong đo

Số liệu từ một đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hết tháng 2/2011, dư nợ cho vay

của khối ngân hàng cổ phần trên 1,2 triệu tỷ đồng, tương ứng trên 55% tổng dư nợ toàn hệ thống. Nếu so với tháng trước, tăng 2,16% và so với 31/12/2010, tăng 3,9%; trong đó, dư nợ VND chiếm trên 79% tổng dư nợ của khối này.

Như vậy, trung bình mỗi tháng, tổng dư nợ khối ngân hàng cổ phần tăng trên 1,9% trong khi tỷ lệ này của cả hệ thống chỉ 1,76%. Đáng chú ý, trong số 39 ngân hàng của khối thì chỉ có 10 đơn vị có dư nợ giảm, còn lại đều tăng.

Có vẻ như dư nợ tăng thì nợ không đủ tiêu chuẩn tăng theo là điều khó tránh. Đến cuối tháng 2 năm nay, nợ dưới chuẩn của khối vượt quá con số 22 nghìn tỷ đồng, tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 0,16% so với 31/12/2010.

Theo đánh giá chung của những người chuyên theo dõi nợ xấu ở các ngân hàng thương mại thì nợ dưới chuẩn của khối ngân hàng cổ phần không cao lắm, nếu so với mức trung bình chung cả hệ thống là 2,33% và đặc biệt là trong suốt 3 tháng: 12/2010, 1 - 2/2011, tỷ lệ nợ dưới chuẩn của khối này chỉ 1,67%/tổng dư nợ bình quân của khối, tương ứng với trên 42% tổng số nợ không đủ tiêu chuẩn toàn hệ thống.

Dù vậy thì điều không vui là trong hai tháng liên tục, nợ không đủ tiêu chuẩn của khối này vẫn tăng, kể cả khi tín hiệu “thắt chặt tiền tệ” và giảm dư nợ cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã được phát đi từ đầu năm.

Nhận xét về vấn đề nợ xấu, một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước, vốn chuyên tiếp xúc với con số “đáng ghét” này cho biết: “Trong bối cảnh sản xuất đình trệ như hiện nay, nợ xấu không tăng mới lạ”. Theo ông, khi khả năng tiêu thụ hàng hóa chưa ổn định trở lại, đặc biệt là sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu, hàng hóa làm ra không bán được hoặc bán chậm, đã làm cho tình hình tài chính doanh nghiệp ngày càng xấu thêm. Bởi thế, chuyện nợ đang từ nhóm 1 hay nhóm 2 bị chuyển sang nhóm 3, thậm chí nhóm 4, 5 rất khó tránh.

Thứ hai, vấn đề cơ cấu dư nợ tại các ngân hàng và đặc biệt là rủi ro đạo đức của cán bộ tín dụng cũng là yếu tố làm gia tăng nợ xấu.

Chẳng hạn, các hồ sơ vay lúc nào cũng dành cho sản xuất, dự án, phương án kinh doanh khả thi nhưng khổ nỗi, cách vay tiền ngân hàng ở Việt Nam trên thế giới chỉ có một. Đó là sau khi ký kết xong hợp đồng vay, khách hàng đưa ôtô đến chở cả bao tải tiền đi, còn cán bộ tín dụng thì thỉnh thoảng mới đến ngó vào dự án/phương án sản xuất. “Thật khó biết bao tải tiền kia có vào sản xuất hay chỉ loanh quanh ở khu vực phi sản xuất như bất động sản, thị trường tài chính. Đầu tư ở khu vực này thì chỉ có tiền từ túi này chảy sang túi kia và người nào ôm cuối cùng thì phải thua lỗ”, ông này nói.

Thế nên, dù thi thoảng Ngân hàng Nhà nước có công bố các con số tín dụng khu vực phi sản xuất nhưng con số thực tế vẫn là một ẩn số. Và xa hơn, là con số nợ xấu tại các ngân hàng rất khó đong đo mức độ xác thực đến đâu, khi mà đây là vấn đề vẫn được cho là nhạy cảm từ trước đến nay.

Còn khe hở

Một đơn vị nghiệp vụ thường xuyên được tiếp xúc với nhiều thông tin từ các ngân hàng là Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) nhưng với cơ chế hiện nay, cơ quan này cũng chỉ quản lý và thông tín những con số rời rạc, chắp vá và quyền năng bị hạn chế, chưa xứng tầm với chức năng “cảnh bảo rủi ro tín dụng”.

Hiện tại, CIC cũng thông tin nhiều vấn đề như nợ không đủ tiêu chuẩn của hệ thống, từng ngân hàng hay danh sách khách hàng nợ nhóm 3, 4, 5 và “khách hàng có quan hệ nhiều tổ chức tín dụng” mà chưa có thông tin khách hàng có nợ xấu với nhiều tổ chức tín dụng.

Theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: “Trường hợp một khách hàng có nhiều hơn một (01) khoản nợ với tổ chức tín dụng mà có bất kỳ khoản nợ bị chuyển sang nhóm nợ rủi ro cao hơn thì tổ chức tín dụng bắt buộc phải phân loại các khoản nợ còn lại của khách hàng đó vào các nhóm nợ rủi ro cao hơn tương ứng với mức độ rủi ro”.

Đây là nguyên tắc “một khách hàng chỉ có một nhóm nợ”, được quy định khá ngặt nghèo để giảm thiểu tổn thất ở mức thấp nhất, nhằm làm lành mạnh hoạt động tín dụng.

Có nghĩa, một khách hàng A có 3 món vay, món 1 trị giá 3 tỷ đồng ở nhóm 1, món 2 trị giá 2 tỷ đồng ở nhóm 2 (bắt đầu quá hạn nhưng dưới 90 ngày), nhưng món 3 dù chỉ 500 triệu đồng mà bị nhảy vào nợ nhóm 4 thì tất cả 3 món vay trên với tổng số tiền vay 5,5 tỷ đồng đều bị rơi vào nhóm 4. Hay nói cách khác, tất cả nhóm nợ của khách hàng trên đều bị quy đổi về nhóm nợ xấu nhất mà một trong số các món nợ bị rơi vào đó.

Vấn đề bắt đầu ở đây. Nếu khách hàng trên vay một ngân hàng thì mọi chuyện đơn giản vì quản trị rủi ro ngân hàng đó sẽ xử lý. Nhưng nếu khách hàng trên vay nhiều ngân hàng khác nhau thì nguyên tắc trên gần như không có tác dụng. Rất có thể, khách hàng sẽ giấu điều này và các ngân hàng thương mại trót “dan díu” với khách hàng này rất khó biết được khách hàng đó nợ những ai và thiếu khả năng đề phòng bất trắc.

Để giảm thiểu rủi ro, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, CIC là đơn vị được tiếp cận nhiều thông tin, nên cần giao cho đơn vị này “quyền quy đổi về nhóm nợ” đối với nợ xấu của một khách hàng ở nhiều tổ chức tín dụng theo như quy định tại Quyết định 493, để thông báo ngay cho những ngân hàng sắp trở thành “nạn nhân” của khách hàng nói trên. Thậm chí, nếu cần thiết, có thể thông báo cho cả hệ thống biết.

Theo: Tác giả Nguyễn Hoài, báo Sài Gòn đầu tư.
Ngày: 05/05/2011