Ngân hàng có lãi nhờ nhặt bạc lẻ

Trong khi nhiều ông lớn bán buôn chật vật để đạt chỉ tiêu lợi nhuận thì nhiều ngân hàng chịu khó chăm chút khách cá nhân, mở rộng dịch vụ bán lẻ lại có được kết quả khả quan trong năm 2013.

Con số chính thức vẫn phải chờ báo cáo tài chính 2013 nhưng ngay trong những ngày đầu năm mới, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng cũng đã phần nào hé lộ và cho thấy sự phân hóa khá rõ rệt.

Khác với mọi năm, lợi nhuận của những nhà băng có thế mạnh về bán buôn phần lớn không được như ý trong năm 2013, đơn cử như trường hợp của Ngân hàng Công Thương Việt Nam. Là nhà băng có vốn tự có lớn nhất hệ thống (hơn 51.000 tỷ đồng), năm 2013, Vietinbank đạt lợi nhuận trước thuế 7.750 tỷ đồng, chỉ vượt 3% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,8%, lợi nhuận của nhà băng này không phải nhiều ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng như các đơn vị khác.

Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) sau nhiều nỗ lực vượt cạn vào nửa cuối năm cũng chỉ may mắn vượt kế hoạch 0,4%, với mức lãi trước thuế 5.727 tỷ đồng. Vietcombank là một trong những nhà băng lội ngược dòng trong vài tháng cuối năm, khi sau 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của đơn vị này vẫn "chưa lên khỏi mặt đất".

Ngân hàng có lãi nhờ nhặt bạc lẻ 
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2013 vẫn chưa sáng sủa. Ảnh: Thanh Lan.

Một nhà băng mạnh về bán buôn, với nhiều khách hàng lớn khác là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Eximbank cho biết năm 2013 chỉ đạt chưa đến 50% kế hoạch lợi nhuận. Vị lãnh đạo này nói thêm, ngoài việc kinh doanh không thuận lợi, việc đón đầu Thông tư 02 - chuẩn mới về phân loại nợ xấu - cũng khiến chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng lên, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. "Trích lập dự phòng tuy nhiều, lãi giảm nhưng đến tháng 6, tháng 7, khi Thông tư 02 áp dụng, ngân hàng sẽ không gặp nhiều bỡ ngỡ", vị lãnh đạo này giải thích.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng đã có lãi lớn năm 2013 nhờ chăm chút thị trường bán lẻ. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là một trong số ít những đơn vị có lãi ấn tượng và đã chi trả xong tháng lương thứ 13, 14 cho nhân viên. Sau 12 tháng, Sacombank lãi trước thuế 2.800 tỷ, tín dụng tăng khoảng 13,6%. Tổng giám đốc Phan Huy Khang cho biết 40% lãi đến từ khách hàng cá nhân và tỷ trọng này đã tăng mạnh so với 2012.

Không chỉ vậy, lượng kiều hối đổ về ngân hàng này cũng đạt 1,7 tỷ USD - chiếm thị phần lớn nhất hệ thống. "Năm nay chúng tôi tăng trưởng bán lẻ tốt nhất. Trong đó, doanh số cho vay cán bộ nhân viên, cho vay nông nghiệp nông thôn và hộ kinh doanh nhỏ lẻ... rất lớn. Đây cũng sẽ là mục tiêu của Sacombank trong năm 2014", ông Khang cho biết.

Cũng đẩy mạnh bán lẻ, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tuyển thêm gần 1.500 người và từng gây bất ngờ lớn khi đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 28% sau 9 tháng đầu năm. Dù chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng lợi nhuận của VPBank được dự đoán sẽ có sự đóng góp không nhỏ từ các khách hàng nhỏ.

Với các ngân hàng quy mô khiêm tốn hơn, việc đẩy mạnh bán lẻ trong 2013 cũng có lợi nhuận khả quan. Như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), lợi nhuận vượt 15% kế hoạch với hơn 360 tỷ, tín dụng tăng trưởng gần gấp đôi (93%). Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết, riêng 2013, nhờ đẩy mạnh phân khúc này mà số lượng khách hàng tăng gấp 3. Dư nợ khách hàng cá nhân cũng chiếm 30% tăng trưởng tín dụng.

Tương tự với Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank), đơn vị có lợi thế bán lẻ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lợi nhuận trước thuế cũng đạt 400 tỷ đồng. Mô hình tín dụng cho vay nhỏ lẻ, thu lãi của khách hàng theo từng ngày của KienLongBank đang rất được người nông dân khu vực này ưa thích.

Ngoài việc chăm chút khách hàng nhỏ, để có mức lợi nhuận tốt trong bối cảnh khó khăn, các ngân hàng cũng phải tích cực nhặt "tiền lẻ". Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng, may mắn hiện nay là các khách hàng đã không chỉ quan hệ với một ngân hàng duy nhất và đó là cơ hội cho các nhà băng nhỏ có doanh thu, dù không nhiều. Tuy nhiên, để an toàn, thay vì hạ chuẩn cho vay, nhà băng cần tìm cách giảm phí cho khách hàng. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank chia sẻ: "Tôi nghĩ chấp nhận margin (hưởng lãi cho vay thấp) một chút còn hơn là ngồi chơi. Hiện nay, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh về giá (lãi suất, phí) và chất lượng dịch vụ chứ không cạnh tranh về điều kiện cho vay".

Theo vnexpress.net