Ngân hàng ngoại cơ cấu hoạt động

Theo các chuyên gia, việc bán đi một mảng kinh doanh của những ngân hàng ngoại là một động thái cơ cấu lại hoạt động, tập trung nguồn lực vào các mảng kinh doanh còn lại để nâng cao hiệu quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

 

Các ngân hàng ngoại hoạt động tại Việt Nam đang có những thay đổi lớn về mô hình hoạt động, trong đó, nhiều ngân hàng thời gian qua đã bán đi một phần mảng kinh doanh đã từng là cốt lõi để sang một hướng khác. Điển hình, ANZ nhượng lại khối bán lẻ cho Shinhan; trước đó Commonwealth Bank bán lại mảng bán lẻ cho VIB của Việt Nam. Hiện đang có thông tin sẽ có thêm ngân hàng ngoại có thể sẽ bán mảng bán lẻ cho các đối tác nước ngoài.

Theo các chuyên gia, việc bán đi một mảng kinh doanh của những ngân hàng ngoại là một động thái cơ cấu lại hoạt động, tập trung nguồn lực vào các mảng kinh doanh còn lại để nâng cao hiệu quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, mỗi bước đi của các ngân hàng đều được tính toán dựa trên môi trường kinh doanh của từng nước. Nếu trước đây các ngân hàng ngoại đến Việt Nam làm ăn theo kiểu “dò đường” thì nay họ đã nắm bắt được mọi điểm mạnh, điểm yếu của thị trường.

Đặc biệt, hiện hoạt động bán một số phần kinh doanh đã thuận tiện hơn nhờ các chính sách hỗ trợ từ Luật Các TCTD (sửa đổi) cho phép hoạt động sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp… khối này đã nhanh chóng năm bắt cơ hội để tái cơ cấu lại hoạt động của mình.

Ví như trường hợp của ANZ, việc bán khối bán lẻ đã mang lại một nguồn thu khổng lồ cho ngân hàng này để tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh lớn nhất của ngân hàng là khối khách hàng DN và định chế tài chính. Theo báo cáo tài chính mới nhất của ANZ, sau khi bán mảng bán lẻ thì lợi nhuận giảm nhẹ, nhưng tổng tài sản của ANZ Việt Nam đến cuối quý II vẫn tăng 16% so với đầu năm. Mức tăng chủ yếu ở hai khoản mục là tiền gửi tại NHNN (tăng 320 tỷ đồng) và tiền gửi, cho vay các TCTD khác (tăng 4.150 tỷ đồng).

Ngược lại với những ngân hàng ngoại đang bán đi phần bán lẻ, một số ngân hàng ngoại khác lại đang đẩy mạnh chiến lược bán lẻ trên thị trường Việt Nam như Hong Leong Bank, Shinhan Bank, Woori Bank, CIMB Bank, UOB, Public Bank Berhad.

Theo đó, các ngân hàng này không còn hoạt động âm thầm mà bắt đầu gia tăng sự hiện diện của mình bằng rất nhiều sản phẩm đa dạng. Thậm chí, có rất nhiều ngân hàng áp dụng hình thức bán hàng qua điện thoại, tin nhắn để thu hút khách hàng. Điều này cho thấy những ngân hàng ngoại không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà còn sẽ cạnh tranh với các ngân hàng nội địa.

Đơn cử, Shinhan Bank đã không giấu tham vọng với thị trường Việt Nam khi đề ra mục tiêu top 3 kinh doanh thẻ tín dụng trong 3 năm tới. Thực tế, Shinhan Bank không chỉ mạnh về tài chính (thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan, một tổ chức tài chính có vị thế của Hàn Quốc) mà ngân hàng này còn có nhiều ưu thế về bán lẻ. Mới đây, Shinhan Card cũng đã mua Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) tại Việt Nam với giá trị 151 triệu USD (gấp 5,52 lần mệnh giá).

Tương tự, Woori Bank cũng đang muốn mua lại mảng bán lẻ của một ngân hàng khác để hướng mục tiêu trở thành ngân hàng ngoại hàng đầu trên thị trường Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động mà một trong những giải pháp được triển khai rầm rộ thời gian qua là bán hàng qua điện thoại... UOB cũng không kém cạnh khi cho biết khách hàng họ đang có ý định mua lại lượng lớn cổ phần của một TCTD trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ vậy, ngân hàng mẹ UOB hiện cũng đang có những chiến lược hướng về châu Á, đặc biệt là thị trường Việt Nam.

Nhìn chung, ngay cả khi bán bớt mảng kinh doanh thì mục tiêu của các ngân hàng ngoại vẫn là tìm cách mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Chỉ có điều chiến lược có khác nhau trong từng thời điểm, giai đoạn. Lãnh đạo của một ngân hàng ngoài cho rằng, chính sách vĩ mô hợp lý của Việt Nam hiện đang giúp họ yên tâm đầu tư và phát triển hơn nữa ở Việt Nam.

 

Theo Quỳnh Vũ

Thời báo ngân hàng