Công an chỉ cách nhận biết tín dụng đen qua 2 dấu hiệu đặc trưng
Hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường gắn với các hành vi như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, huy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, phun sơn, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ...
Tại Hội nghị tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, ngăn chăn tín dụng đen được tổ chức tại huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình sáng ngày 17/10, lãnh đạo Bộ công an và Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp nhiều vấn đề thắc mắc của bà con nông dân về tín dụng đen cũng như cách thức tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Theo Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Tín dụng đen có 4 đặc điểm: (1) Là hình thức cho vay hoặc đi vay dân sự, hoặc huy động vốn (2) Lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định; (3) Được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính; (4) Việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Trung tá Ngô Hồng Vương cho biết có 2 đặc trưng cơ bản để xác định và nhận diện tín dụng đen.
Thứ nhất: Lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định
Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định, trần lãi suất cao nhất là 20% (trừ trường quy định hợp pháp luật liên quan quy định khác). Bên cạnh đó, Nghị định số 19/2019 /NĐ-CP về hụi, họ, biêu phường cũng hướng dẫn chi tiết về lãi, lãi suất trong hình thức chơi hụi, họ; Nghị quyết số 01/2014/NQ HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm cũng giải thích các trường hợp cụ thể về lãi suất.
Điều 201 Bộ luật hình sự quy định lãi suất vượt quá 5 lần lãi suất cao nhất của BLDS (được hiểu là 100%/năm), thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực ANTT, PCCC, bạo lực gia đình cũng quy định hình thức xử phạt hành vi cho vay lãi nặng của các cơ sở kinh doanh cầm đồ. Như vậy, nếu lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm thì được coi là vi phạm. Tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hay hình sự. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất trong tín dụng đen thường rất cao, có khi lên đến 300 – 700%/năm.
Hai là, việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường gắn với các hành vi như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ. Thủ đoạn sử dụng người tàn tật (thương binh giả) tham gia đòi nợ thuê vẫn diễn ra. Lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, nhiều người giả danh thương binh tham gia nhiều hoạt động trong đó có hoạt động đòi nợ thuê, số người này thường tụ tập theo nhóm theo yêu cầu của người thuê, đến nhà người nợ tiền để gây sức ép dưới nhiều hình thức khác nhau gây dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Hoạt động tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức. Để siết nợ, các chủ nợ thường thuê các đối tượng xăm trổ, có tiền án tiền sự hoặc các công ty đòi nợ theo kiểu "xã hội đen". Nhiều công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ mặc dù bên ngoài hoạt động hợp pháp, số ít nhân viên có hợp đồng đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nhưng số nhân viên không chính thức, không ký hợp đồng hoặc liên kết, thuê hoặc đứng đằng sau là các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các đối tượng có tiền án tiền sự để thực hiện các hành vi đòi nợ. Các đối tượng này được sự tư vấn pháp luật của đội ngũ luật sư thoái hóa, biến chất, dùng các biện pháp đòi nợ phản cảm, nhằm làm nhục, mất uy tín, gây phiền nhiễu, ảnh hưởng đến kinh tế của con nợ, gây hoang mang, bức xúc cho người dân xung quanh nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc rất khó để xử lý hình sự, còn nếu xử lý hành chính thì chế tài không đủ sức răn đe.
Theo Trí thức trẻ